Chào mừng bạn đã kết nối Website PCCP.VN

Chuyên đề PCCP

Ứng dụng công nghệ blockchain vào công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái

Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (PCCP – thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) vừa công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tem chứa mã QR ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm phục vụ công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong tình hình hiện nay”.

Quang cảnh cuộc họp báo

Mới đây, Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (PCCP) phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tem chứa mã QR ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm phục vụ công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong tình hình hiện nay”. Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc PCCP – chủ trì buổi họp báo công bố.

Tham dự buổi họp báo còn có ông Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch Hội đồng quản lý (PCCP); Ban chủ nhiệm khoa học và công nghệ; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Tổng cục thuộc các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo các học viện, trường thuộc lĩnh vực hành pháp và tư pháp; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi họp báo Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc PCCP cho biết: Trong một trận chiến khốc liệt để cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đều đau đầu không biết rồi mình sẽ phải đối phó như thế nào để vừa bảo vệ thương hiệu, giữ vững doanh thu mà vẫn trấn an được người tiêu dùng.

Chính từ thực tế này và trên cơ sở Quyết định 65/2010 QĐ-TTg, ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ qua nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và Nghị quyết của Lãnh đạo Trung tâm về vấn đề này. Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu tiến hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tem chứa mã QR ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm phục vụ công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong tình hình hiện nay”.

Mã QR (tiếng Anh: Quick Response code; viết tắt: QR code) là dạng mã vạch hai chiều có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.

Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc PCCP

Mã QR có thể tạm hiểu là mã phản hồi nhanh hay nhiều người còn gọi là mã vạch ma trận. Đây là dạng mã vạch hai chiều có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.

Nhờ khả năng mã hóa hàng ngàn kí tự mà một mã QR có thể chứa đựng được rất nhiều thông tin khác nhau. Đây chính là lí do mà nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn mã QR cho việc minh bạch thông tin, truy xuất tận gốc sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường.

Mã QR được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994, người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Và loại mã này đã và đang được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản.

Phương pháp sử dụng mã QR (Quick Response – QR Code) từ lâu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam khi thực hiện các giao dịch thanh toán online trên các nền tảng như VNPay, Momo, ZaloPay…

Các ứng dụng của mã QR hiện nay trên thế giới bao gồm:

– Kiểm kê hàng hóa, thông tin sản phẩm.

– Thông tin cá nhân: trên card visit.

– Lưu trữ URL: sử dụng điện thoại để đọc mã QR để lấy URL, và tự động mở web trên trình duyệt.

– Ứng dụng tại các bến xe bus, xe lửa, tàu điện ngầm: người sử dụng khi quét mã QR của bến xe sẽ biết thông tin về các chuyến xe.

– Sử dụng tại các Viện bảo tàng: người sử dụng chỉ cần quét mã QR đặt cạnh vật trưng bày là biết được thông tin chi tiết và cập nhật về đồ vật đó.

– Sử dụng tại siêu thị: để biết được thông tin, hướng dẫn nấu ăn cũng như hàm lượng dinh dưỡng của những thức ăn cần mua, xuất xứ, hạn sử dụng…

– Sử dụng tại các buổi hội thảo, thuyết trình, tổ chức sự kiện, chương trình nhạc hội, live show, bar, club: người tham gia có thể sử dụng mã QR thay cho Business Card của mình.

– Sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, coffee shop: để biết được công thức và cách chế biến món ăn, thức uống, thông tin khách sạn.

– Sử dụng trong truyền thông quảng cáo marketing: dần thay thế các quảng cáo dưới hình thức in ấn và phát tờ rơi. Mã QR sẽ đính kèm thông tin thương hiệu trên các ấn phẩm, bảng hiệu cửa hàng, các bảng quảng cáo, billboard.

– Sử dụng mã QR để tạo sự khác biệt trong chữ kí email thường dùng; trên những món quà, để tạo đặc biệt và bất ngờ cho người nhận, và làm cho người nhận thấy tò mò về nội dung của mã QR đính kèm…

Có thể nói, phạm vi ứng dụng của mã QR rất rộng, và không bị giới hạn bởi thời gian và địa lý và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh gắn camera kết nối Internet là người dùng có thể quét bất kỳ mã QR nào họ nhìn thấy và đọc thông tin truy xuất ra từ mã QR đó.

Bên cạnh đó, tem chống giả chứa mã QR ứng dụng công nghệ Blockchain (gọi tắt là tem QR Blockchain) đã được giới khoa học ở nhiều quốc gia phát triển dồn tâm sức vào nghiên cứu trong nhiều năm qua. Về mặt vật lý, giao diện của tem QR Blockchain có chứa 1 mã công khai và 1 mã phủ cào được in ấn bằng hệ thống máy in chuyên dụng. Trong đó, mã công khai khi quét sẽ ra thông tin liên quan đến sản phẩm mà nhà sản xuất muốn người tiêu dùng đọc được và phục vụ công tác kê khai thông tin cho đơn vị quản lý thị trường, còn mã phủ cào sẽ cần được xóa bỏ lớp phủ bạc để người dùng quét được số lần xác thực, địa điểm xác thực, lịch sử xác thực và những thông tin chỉ được truy xuất khi người tiêu dùng đã mua sản phẩm.

Tem Qrcode Blockchain

Vậy nhưng, tính xác thực của mã phủ cào trên tem sẽ không có giá trị nếu không có công nghệ Blockchain đảm bảo. Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ quản lý các giao dịch để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và không thể thay đổi. Công nghệ Blockchain có những đặc điểm sau:

Dữ liệu chống biến đổi: Một khi đã nhập dữ liệu vào thì không thể chỉnh sửa hoặc thay đổi.

– Lưu trữ phi tập trung: Dữ liệu được phân tán trong các node, do đó nếu bị tin tặc tấn công thì chỉ có thể bị chiếm giữ tại một node.

– Cơ chế phủ quyết: Các quyết định thay đổi thông tin sẽ được phủ quyết bởi một số node được lựa chọn (thường là ngẫu nhiên).

– Bảo mật tuyệt đối: Lưu trữ phi tập trung và các thuật toán mã hóa có độ khó cao đảm bảo tính nhất quán dữ liệu và gần như vô hiệu hóa các hoạt động tấn công.

Tuy Blockchain được giới công nghệ biết đến từ lĩnh vực tài chính khi nó bước ra ánh sáng cùng những đồng Bitcoin từ năm 2009, nhiều tổ chức và chính phủ đã tận dụng công nghệ này trong đa dạng các lĩnh vực như: thời trang, y tế, truyền thông…

Từ tính năng ưu việt mà Blockchain mang lại và những cải tiến khác để phù hợp với người dùng tại Việt Nam, tem QR Blockchain có những đặc điểm sau cạnh tranh với tem chống giả thông thường, đó là:

– Độ bảo mật: Tem QR Blockchain có độ bảo mật cao hơn và không thể bị làm giả so với tem chống giả thường.

– Thay đổi dữ liệu sản phẩm: Điều này là không thể nếu doanh nghiệp đã đưa thông tin sản phẩm lên hệ thống đối với tem QR Blockchain, nhưng tem chống giả thường thì việc sửa, xóa thông tin hoàn toàn có thể bị can thiệp trên hệ thống.

– Sự tiện lợi trong thao tác xác thực: Tem QR Blockchain chỉ cần xác thực thông qua một máy đọc mã vạch hay camera của smartphone, còn tem chống giả thông thường cần có kiến thức chuyên môn hoặc các biện pháp nghiệp vụ thì sẽ không kiểm tra được (VD: tem đổi màu). Với một số nhà cung cấp tem, họ yêu cầu người dùng cài app điện thoại để xác thực, gây bất tiện khá lớn.

– Lỗi người dùng: Tem QR Blockchain không gây sai sót từ phía người dùng khi quét mã QR, trong khi một số loại tem chống giả khác yêu cầu xác thực bằng tin nhắn (SMS) khá phức tạp, có thể có sai sót trong quá trình gõ mã.

Với những ưu điểm như trên, tem QR Blockchain tỏ ra là một người khổng lồ mới trong cuộc chiến đấu chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhức nhối như hiện nay. Về bản chất, loại tem này là một sản phẩm tất yếu của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Sự đón nhận với sản phẩm này tại thị trường Việt Nam vẫn đang là một dấu hỏi, tuy nhiên   từ phía các doanh nghiệp, đây thật sự là một la bàn mới hoạch định chiến lược lâu dài để họ vừa bảo hộ thương hiệu, vừa bước vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia trong tâm thế sẵn sàng.

Hiện nay, Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (PCCP) là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam đang phối hợp với một đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần trí tuệ và công nghệ cao CNC ASIA (CAS) triển khai nghiên cứu tem chứa mã QR ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm phục vụ công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

Trên cơ sở đó, đã đưa ra các phần mềm quản lý, truy xuất, xác thực như: bằng cấp, chứng chỉ, hàng hóa, dịch vụ… Qua một thời gian ngắn, hệ thống cổng truy xuất: www.pccp.vn/cas đã chính thức cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhà quản lý phương án xác thực bằng Qrcode Blockchain trên các nền tảng smartphone, máy tính bảng…

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Tổng cục thuộc các Bộ, ngành có liên quan cũng đã phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn của tập thể Lãnh đạo Trung tâm PCCP và các tác giả trong quá trình nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

Phát biểu kết thúc họp báo, ông Vũ Đức Quang, Giám đốc PCCP đã nêu rõ:

Sau buổi họp báo này, các bộ phận chức năng của Hội đồng khoa học PCCP sẽ bàn giao tài sản của nhiệm vụ KH&CN theo đúng quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Đồng thời thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và bàn giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ KH&CN.

Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, cấp phép theo quy định, hướng tới sản xuất đại trà, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống hàng giả, hàng nhái đang cấp bách hiện nay.

Ngọc Thành
Nguồn: suckhoe24h
Tin khác