Thủ đoạn lừa đảo bán hàng của các đối tượng này là liên tục đưa những thông tin quảng cáo về sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo… hay thậm chí là chèn các banner với các thông tin hấp dẫn về giá, hình ảnh sản phẩm thật với các lý do khuyến mại trên các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử hay những website lớn để dễ dàng có được niềm tin của đối tượng khách hàng “chưa từng trải”.
Theo phản ánh của bạn đọc H.T.V (58 tuổi, trú tại Hà Nội), khi truy cập trên một trang báo điện tử liên tục hiện ra những khung quảng cáo về các mặt hàng khác nhau với những thông tin hấp dẫn giá bán, nội dung khuyến mại, chất lượng sản phẩm… Đang có nhu cầu mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy A71, ông V. đã nhấp chuột vào hình ảnh quảng cáo (Banner quảng cáo – PV) hiện thị trên trang báo.
Ngay lập tức, Website: khodidongchinhhang.com mở ra với những thông tin đầy đủ về sản phẩm chính hãng như: hình ảnh, thông số kỹ thuật, kèm theo đó là một mức giá hấp dẫn (chỉ 1.790.000 đồng cho chiếc điện thoại Samsung Galaxy A71) bởi những lý do quảng cáo như xả kho, đếm ngược thời gian khuyến mại và hàng loạt các bình luận đặt hàng, khen ngợi sản phẩm, dịch vụ bán hàng.
Địa chỉ trên Web thì thể hiện đặt tại trụ sở rất cụ thể và uy tín nhưng số điện thoại trên Web thì lại giấu đi. Khách hàng chỉ có thể nhập thông tin của mình để người bán gọi lại xác nhận và giao hàng.
Ông V. thoáng chút nghi vấn về giá bán thấp nhưng vì tâm lý suy nghĩ quảng cáo được xuất hiện trên trang báo chính thống và sau khi nhập thông tin đặt mua liền nhận được điện thoại tư vấn của người bán về lý do khuyến mại với cam kết hàng chính hãng, đầy đủ phụ kiện, bảo hành, giao hàng tận nơi mới thanh toán tiền, không đúng có thể trả lại… nên đã đồng ý mua sản phẩm.
Hàng được chuyển trực tiếp qua “shipper”, ông V. mở hàng ra kiểm tra đầy đủ các tiêu chí về hình thức như cam kết rồi thanh toán tiền. Tuy nhiên, điều mà ông V. không biết được là mặc dù hình thức sản phẩm đầy đủ vỏ hộp, thiết bị, phụ kiện về hình thái nhận diện giống với thương hiệu nhà sản xuất chính hãng được đóng gói cẩn thận nhưng lại là hàng giả. Khi cắm sạc sử dụng đã gây nổ. Chỉ đến khi nhờ người am hiểu kiểm tra và so sánh với sản phẩm chính hãng ông V. mới nhận ra mình bị lừa. Mọi lỗ lực liên hệ phản ánh, trả hàng với người bán đều bị thoái thác, không cách nào thực hiện được.
Sản phẩm giả đến tay khách hàng với những tổn thương sâu sắc về tâm lý
Qua sự việc cụ thể của ông V. có thể thẳng thắn nhận định, hàng ngày vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người tiêu dùng vì lý do nào đó, dù không muốn nhưng vẫn bị lợi dụng, bị “bẫy tâm lý” bởi những thông tin mập mờ về hàng loạt sản phẩm, dịch vụ giả khác nhau mà phải “ngậm đắng, nuốt cay”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hùng (Cục QLTT) cho rằng: Trong bối cảnh thương mại điện tử như hiện này, mỗi người tiêu dùng cần trang bị cho mình phải trở thành “người tiêu dùng thông thái” trước hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần cảnh giác và tỉnh táo nhận diện các đối tượng buôn lậu lợi dụng thương mại điện tử với các chiêu thức như lập tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, quảng bá sản phẩm bằng những hình ảnh chuyên nghiệp; không để lại địa chỉ, không để lại số điện thoại hoặc thông tin chỉ chung chung.
Việc xác định và xử lý các đối tượng bán hàng kiểu này rất khó và nhỏ lẻ. Vấn đề khó hơn cần phải làm, là xử lý được tận gốc nguồn hàng giả. Công tác cấp phép, giám sát, xử lý đối với các website và hoạt động quảng cáo cần chặt chẽ để tạo ra một môi trường thương mại điện tử được minh bạch, vì quyền lợi người tiêu dùng.
Hoàng Sa